Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện Tre Việt chưa được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Như vậy, theo Luật Hàng không Việt Nam năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014, Bamboo Airways chưa phải doanh nghiệp hàng không Việt Nam (hay còn gọi là hãng hàng không Việt Nam) nên không thuộc đối tượng để xem cấp quyền vận chuyển hàng không.
Sau khi được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, để có cơ sở xem xét cấp quyền vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tre Việt bổ sung báo cáo cụ thể về tính khả thi của kế hoạch khai thác từng đường bay xin cấp quyền.
Trước đó ngày 25-10, Bamboo Airways có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam xin cấp quyền vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa.
Bamboo Airways tuyên bố sẽ bay chuyến thương mại vào ngày 10-10 nhưng phải lùi đến cuối quý IV/2018 vì chưa có được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Theo hồ sơ dự án, VietBamboo Airlines có vốn điều lệ 700 tỉ đồng (mức vốn đủ điều kiện khai thác đường bay quốc tế) hoạt động theo mô hình hãng hàng không mới, có sự kết hợp giữa dịch vụ hàng không truyền thống và hàng không chi phí thấp.
Dự kiến năm 2019, hãng sẽ đi vào khai thác các đường bay nội địa có tầm bay 1,5 giờ - 2 giờ bằng máy bay thân hẹp một lối đi A320/321 của nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus. Mạng bay của hãng tại nội địa sẽ hướng đến các điểm du lịch có khu nghỉ dưỡng của FLC, đến năm 2023 khai thác 24 đường bay nội địa. Tại thị trường quốc tế, hãng có kế hoạch khai thác 16 đường bay giữa Việt Nam với một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… VietBamboo Airlines đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không, qua thời gian lỗ kế hoạch sẽ hoạt động có lãi, nộp ngân sách nhà nước khoảng 52 triệu USD.
D.Ngọc/NLĐ