Những ngày qua, dư luận đang quan tâm đến nghi án gian lận thương mại xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Asanzo khi bị phát hiện có dấu hiệu gian dối về xuất xứ của sản phẩm. Động cơ chính của việc nhập sản phẩm, rồi thay đổi từ nhãn mác của Trung Quốc sang nhãn mác của Việt Nam và dùng logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” là để có được lòng tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Asanzo đã lợi dụng tâm lý ủng hộ hàng hóa của Việt Nam, nhằm tiếp sức cho DN Việt Nam trong cạnh tranh thương mại. Trong khi đó, Chính phủ và các địa phương cũng đã tạo nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho hàng Việt Nam và kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng hóa của Việt.
Asanzo “xây nhà” từ nóc, cưỡng đoạt lòng tin của người tiêu dùng!
|
Vì thế, có thể nói vụ Asanzo thay đổi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa là dấu hiệu gian lận thương mại, lợi dụng chính sách nâng đỡ doanh nghiệp Việt, cưỡng đoạt lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Sản phẩm của Asanzo có thể chất lượng, mẫu mã đẹp, giá rẻ... nhưng không có nghĩa là sẽ thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngược lại, điều này còn trực tiếp gây tổn hại đến môi trường hợp tác, cạnh tranh kinh doanh chung, làm giảm hiệu quả của chính sách điều hành kinh tế và góp phần tạo tâm lý xa lánh sản phẩm hàng hóa Việt Nam của người tiêu dùng.
Không khó để xác định năng lực thật sự của Asanzo nếu nhìn vào chuỗi giá trị của tập đoàn sản xuất và kinh doanh điện gia dụng này. Đó là các chỉ số về: Hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), thu mua.
Trong bốn yếu tố nằm trong chuỗi liên kết dọc này, Asanzo chỉ có năng lực thu mua, còn lại thì quá yếu. Còn trong các yếu tố liên kết ngang như: Đầu vào, sản xuất, đầu ra, marketing và dịch vụ... thì Asanzo chủ yếu dựa vào marketing, tiếp cận người tiêu dùng với danh nghĩa là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Sẽ có nhiều lời bào chữa đúng sai nhằm bảo vệ cho Asanzo, sẽ có ý kiến cho rằng nhiều DN ở Việt Nam cũng tham gia chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Ngay cả các tập đoàn công nghệ lớn như: Apple, Samsung... cũng tham gia chuỗi cung ứng của Trung Quốc để chiếm lấy lợi thế cạnh tranh thì của Việt Nam sao tránh khỏi? Nhưng việc Asanzo “xây nhà” từ nóc là là một thực tế không thể phủ nhận.
Sau khi bị báo chí phanh khui việc Asanzo dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam, ông Phạm Văn Tam, CEO Công ty CP Tập đoàn Asanzo đã thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như: Trung Quốc, Đài Loan.
Nhưng Asanzo lại dùng thông điệp quảng cáo sản phẩm là “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, được bảo chứng là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.
Nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam đã ngừng bán sản phẩm của Asanzo.
|
Theo “ông chủ” của Asanzo, dòng chữ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” để mô tả sản phẩm của Asanzo có nghĩa là dây chuyền sản xuất tại nhà máy được kiểm soát bằng công nghệ Nhật Bản. Đây là các công nghệ được chuyên gia Nhật Bản chuyển giao. Cụ thể, công nghệ này sẽ kiểm soát việc lên chuyền của sản phẩm, kiểm soát các tiêu chuẩn vệ sinh bo mạch, sơn…xem chúng có an toàn hay không mà thôi.
Về việc nhập đến 80% linh kiện cho các sản phẩm điện gia dụng, rồi gắn vào thương hiệu Asanzo bán ra thị trường Việt Nam thì ông Tam cho rằng, sau khi các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những chính sách thuế ưu đãi theo các hiệp định thương mại thì Asanzo đã không thể cạnh tranh nổi.
Vì thế, Asanzo đã chuyển từ lắp ráp sản phẩm sang vai trò đối tác thương mại, tức sản phẩm của Asanzo được gia công ở nước ngoài rồi nhờ các công ty phụ trợ nhập linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan về Việt Nam, để lắp ráp tivi, máy lạnh và bán lại cho Asanzo…
Ông Tam biện minh thêm về việc báo chí phản ánh Asanzo cố ý xóa bỏ dấu vết “Made in China” trên Panel LCD (khung hiển thị màn hình tinh thể lỏng). Theo quy trình của Asanzo, Panel LCD là một linh kiện bên trong của tivi và các công nhân không gỡ bỏ tem sườn có chữ “Made in China” trên linh kiện này. Công nhân chỉ dán thêm tem bảo hành cho linh kiện Panel LCD.
Asanzo không việc gì phải xóa chữ “Made in China”, bởi bộ phận này sẽ nằm bên trong phần vỏ nhựa bao bọc bên ngoài. Chẳng lẽ, Asanzo nuôi hàng ngàn công nhân chỉ để xóa chữ thôi sao. Quy trình thực hiện của Asanzo hoàn toàn không có điều này. Thực tế, Asanzo chỉ dán dòng chữ “Xuất xứ Việt Nam” ở bên ngoài sản phẩm hoàn thiện, điều này là phù hợp với quy định hiện hành…
Nhưng hóa ra chẳng có một “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” nào như lời quảng cáo cho sản phẩm của Asanzo đến người tiêu dùng. Nếu xét về động cơ kinh doanh của Asanzo thì khó có thể chấp nhận. Đó có thể coi là hành vi lừa đảo lòng tin của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến uy tín của hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam hiện đang sản xuất kinh doanh chân chính khác.
Nếu đủ chứng cứ gian lận thương mại, Asanzo cần bị ngăn chặn và xử lý nghiêm để bảo đảm môi trường kinh doanh tại Việt Nam luôn bình đẳng!