Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã chính thức bước sang năm thứ 10. Nhìn lại 9 năm qua, hàng Việt đã dần dần đi vào cuộc sống và được người dân tự nguyện chấp nhận. Nhiều người đã thực sự yên tâm khi nhìn thấy dòng chữ “Made in Vietnam” hay “Việt Nam xuất khẩu” có mặt đâu đó trên các tuyến phố, và xem đây là một giá trị đảm bảo của sản phẩm.
Nhưng cũng chính vì tâm lý muốn bán được nhiều hàng và phục vụ được nhu cầu ưa chuộng hàng “Made in Vietnam” ngày càng tăng của người tiêu dùng mà không ít doanh nghiệp nhập hàng của Trung Quốc về rồi dán mác “Made in Vietnam”, tức là “nội địa hóa” hàng Trung Quốc để tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Hàng Trung Quốc đội lốt “Made in Vietnam”
Công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam thành lập năm 2013 bởi ông Phạm Văn Tam. Năm 2014, hãng điện tử thu hút sự chú ý của thị trường khi bán 150.000 tivi, doanh số 670 tỷ đồng. Tập đoàn tiếp đà tăng trưởng trung bình gần 2 lần mỗi năm về cả doanh thu và số sản phẩm cung ứng. Đến năm 2017, Công ty được cấp chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao dongười tiêu dùng bình chọn", ngành hàng điện tử gia dụng. Trên bao bì, tem nhãn của Asanzo đều ghi xuất xứ Việt Nam kèm slogan "Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Thế nhưng đến tháng 8/2018, một nguồn tin cho biết nhà máy Asanzo chỉ lắp ráp tivi từ linh kiện nhập từ Trung Quốc. Còn đồ điện gia dụng thì nhập "nguyên con" từ Trung Quốc, chứ họ không sản xuất một mẩu linh kiện điện tử nào.
Ngày 7/9/2018, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh kiểm tra container số hiệu FCIU8689004 chứa linh kiện lò nướng điện nhập từ Trung Quốc tại cảng IDC Phước Long. Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh (Công ty Sa Huỳnh) là chủ lô hàng này.
Sự thật vỡ lở: Hồ sơ thông quan thể hiện Công ty Sa Huỳnh tự khai hàng hóa trong container là linh kiện của lò nướng thủy tinh gồm: 970 nắp đậy bằng nhựa, 940 chậu lò nướng bằng thủy tinh, 1.180 thiết bị đếm thời gian của lò nướng. Xuất xứ hàng hóa: Trung Quốc.
Tuy nhiên, mở container kiểm tra, hải quan phát hiện toàn bộ hàng bên trong là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo.
Đặc biệt, trong thùng cactông đựng lò nướng còn có cả phiếu bảo hành in sẵn bằng tiếng Việt: "Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" kèm số đường dây nóng 18001035.
Mặc dù hồ sơ hải quan thể hiện hàng hóa có xuất xứ (C/O) Trung Quốc, nhưng toàn bộ lò nướng trong container này hoàn toàn không có thông tin về xuất xứ.
Nhận thấy Công ty Sa Huỳnh có biểu hiện gian dối, phóng viên đi tìm lãnh đạo công ty này để xác minh thêm.
Lần theo địa chỉ Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh đăng ký trên giấy phép tại số 861/27/39 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh, phóng viên mất nhiều ngày trời vẫn không tìm thấy. Phóng viên quyết định ghé công an phường hỏi thăm thì được cho biết trên địa bàn không tồn tại địa chỉ này!
Sau nhiều tháng điều tra, phóng viên phát hiện một trong những cung đường đi của các kiện hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, đm 18 rạng sáng 19/4, phóng viên bám theo các xe đầu kéo có số hiệu container lần lượt là BSIU9102736, CSNU6092597 và FSCU8769644 đang rời cảng Cát Lái. Đây là các container xuất phát từ Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) về Việt Nam trước đó ít ngày.
Dù trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu thể hiện Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn là đơn vị nhập hàng, nhưng điểm dừng của đoàn xe này chính là nhà máy của Tập đoàn Asanzo Việt Nam tại khu công nghiệp, nơi có những container khác cũng đang bốc dỡ hàng vào đó. Đến khi trời sáng, những container mà phóng viên “theo” tiếp tục được bốc xếp vào nhà máy Asanzo.
Theo hồ sơ thông quan, số hàng hóa trên là “bộ phận của cục nóng máy lạnh” với số lượng 4.700 cái, do Công ty Trần Thoàn mua từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ningbo Aux (Trung Quốc).
Tương tự Sa Huỳnh, Công ty Trần Thoàn cũng là công ty “ma”. Vì khi phóng viên tìm đến địa chỉ 805/21 Nguyễn Xiển, khu phố Long Hòa (P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP Hồ Chí Minh) mà công ty này khai trong giấy phép đăng ký kinh doanh, mới hay rằng, không tồn tại số nhà này.
Theo chia sẻ của bà Tô Thị Thanh Tuyền (ngụ tại P.An Lạc A, Q.Bình Tân) cho hay, tháng 4/2019, bà có nhu cầu mua ti vi 32 inch hiệu Asanzo tại một cửa hàng Điện Máy Xanh ở Long An.
“Khi mua và thanh toán tiền xong, tôi có đề nghị nhân viên tại đây chứng kiến việc tôi mở ra xem thông tin về hàng hóa, linh kiện bên trong. Sở dĩ tôi làm như vậy là vì cách đây một năm, gia đình đã mua một cái về sử dụng nhưng rất mau xuống cấp. Ví dụ như hình ảnh không sắc nét, âm thanh không rõ...” - bà Tuyền kể.
Theo những hình ảnh và video do bà Tuyền cung cấp, ngay tại cửa hàng, với sự có mặt của nhân viên Điện Máy Xanh, tem ghi nguồn gốc sản phẩm có dấu hiệu bị cạo xé. Bà Tuyền rất bức xúc vì thương hiệu Asanzo luôn được quảng cáo là hàng Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản.
Cuối năm 2017, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khaisilk có hiện tượng giả mạo xuất xứ. Cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Khaisilk tức là “Made in Việt Nam”. Sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản và thành lập tổ kiểm soát, kiểm tra liên ngành gồm nhiều bộ, ngành cơ quan, mở rộng ra trên phạm vi toàn quốc có hệ thống của Khaisilk.
Trước tình trạng hàng giả hàng nhái ngày càng trở nên phổ biến như hiện nay, nếu các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc ngăn chặn tình trạng trên, thì trong tương lai rất gần người tiêu dùng Việt sẽ mất niềm tin vào thương hiệu “Made in Vietnam”.