Đang phụ vợ là chị Phạm Thị Diễm (SN 1970, xã Trung Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) sửa soạn quán hàng thì chuông điện thoại của anh Nguyễn Văn Tác (SN 1970) vang lên. Lau vội giọt mồ hôi, anh bấm nút nghe máy: “Alo, tôi là Tác, xe chở bệnh nhân 0 đồng xin nghe”.
Đầu bên kia, giọng nam giới trẻ tuổi khẩn thiết nhờ chở cha đến viện. Sau một số câu hỏi để xác thực của thông tin cũng như tình trạng của người cần hỗ trợ, anh Tác vội chào vợ, chạy ra xe cứu thương. Hơn 20 năm nay, chị Diễm đã quá quen với hình ảnh này nên cũng không hỏi nữa.
Sau khi đón và chở người đàn ông từ xã Trung Hưng lên bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, anh vội trở về với công việc thường ngày. Anh Tác là trưởng nhóm, điều phối viên kiêm tài xế nhóm “xe 0 đồng”.
Người đàn ông thích làm “việc bao đồng”
Anh Tác kể, anh là con thứ 2 trong gia đình 7 anh em. Xuất thân bần nông nên gia đình chẳng mấy khá giả. Năm 1990, anh nên duyên cùng chị Diễm. Đôi vợ chồng trẻ chăm chỉ làm ăn, tích góp, rồi vay mượn mở cửa hàng nhỏ gần chợ.
Cùng năm đó, anh tham gia nấu cơm từ thiện 1 tuần/tháng tại bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Đúng 5h sáng, khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ thì anh cùng các thành viên trong nhóm đã có mặt đầy đủ. Mỗi người một việc, thay nhau rửa xoong chảo, đi chợ, chế biến thực phẩm.
“Mỗi suất ăn có cơm, món mặn, món xào và canh. Thực đơn được thay đổi mỗi ngày để bệnh nhân, người chăm bệnh đến nhận cơm không cảm thấy chán”, anh Tác nhớ lại.
Từ chính suất cơm từ thiện, anh nghe được những câu chuyện đau lòng về bệnh nhân không có tiền thuê xe cứu thương mà bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, để rồi để lại di chứng suốt đời hay thậm chí mất mạng.
Sau gần 10 năm gắn bó với gian bếp, đầu năm 2000, nhóm “xe 0 đồng” được thành lập với 10 thành viên, mục tiêu là hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Quá trình hoạt động, nhóm bổ sung thêm nhiều thành viên, chủ yếu đều hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách và làm nông.
Với nguyên tắc hỗ trợ miễn phí, các thành viên tự đổ nhiên liệu chạy hoặc nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, hoàn toàn không thu bất kỳ đồng nào từ người bệnh.
Chia sẻ về lần mua chiếc xe cứu thương đầu tiên, anh Tác vẫn không sao quên được tình cảm bà con làng xóm. Người ít thì vài chục nghìn đồng, người nhiều lên đến cả triệu đồng đem tới tận nhà san sẻ cùng anh.
“Bà con gom góp được 35 triệu đồng, tôi mua lại chiếc xe đã qua sử dụng rồi bỏ thêm khoảng 30 triệu đồng tân trang. Xe hoạt động chủ yếu trên địa bàn Cần Thơ - Long Xuyên (tỉnh An Giang) - TP.HCM. Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, chỉ cần có người gọi điện thoại cần giúp đỡ là các thành viên của nhóm lên đường”, Trưởng nhóm “xe 0 đồng” vui vẻ cười nói.
Nhớ như in cuộc gọi vào một buổi sáng cách đây khoảng 3 năm, anh kể: “Đầu bên kia là một người phụ nữ trung niên giới thiệu quê ở tỉnh Thái Bình. Người này cho biết con trai không may bị tai nạn giao thông và tử vong ở Hà Nội.
Chị liên hệ với nhiều nhà xe đưa thi thể con về quê an táng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Mãi sau đó, thông qua người quen, chị mới biết số điện thoại và gọi cho tôi nhờ giúp đỡ”.
Nghe tin, anh Tác nhận lời mà chẳng giây phút chần chừ. Anh nhấc máy gọi thêm 2 thành viên, rồi nhanh chóng sửa soạn lên đường. Quãng đường hơn 1.800km, 3 tài xế thay phiên nhau lái suốt 2 ngày, 2 đêm ra tới Hà Nội.
“Hoàn tất các thủ tục, chúng tôi chở thi thể nạn nhân về tới nhà. Lúc ra xe, có người dúi vào tay tôi xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng bảo trả tiền dầu, không rõ là bao nhiêu nhưng cả 3 anh em đều từ chối”, anh Tác tâm sự.
Hành động sau đó của người thân nạn nhân khiến 3 tài xế không khỏi ngỡ ngàng, ngậm ngùi. Anh Tác kể, xe vừa quay đầu, hàng người đứng dọc 2 bên đường, cúi đầu thay cho lời cảm ơn từ tận đáy lòng. Nhìn vào gương chiếu hậu, cả 3 anh đều bất giác rơi nước mắt.
Cứu người, duy trì cuộc sống mãi mãi
Ngoài công việc chở bệnh nhân miễn phí, anh Nguyễn Văn Tác còn thường xuyên tham gia hiến máu tại bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Việc hiến máu đã trở thành một thói quen và là việc làm “hết sức bình thường” đối với anh. Đến nay, anh đã hơn 50 lần hiến máu.
Tin vui dành cho anh khi vài năm gần đây, các bác sĩ thấy số lượng tiểu cầu của anh khá cao nên khuyên anh đi hiến tiểu cầu.
Anh có thể giúp đỡ được nhiều người hơn bởi tiểu cầu lúc nào cũng trong tình trạng thiếu và thời gian mỗi lần hiến chỉ cách nhau 3 tuần, thay vì chờ đợi 3 tháng như hiến máu. Chính vì lý do đó, anh quyết định chuyển sang hiến tiểu cầu để cứu giúp được nhiều người bệnh hơn.
Anh Tác luôn tâm niệm: “Có sức khỏe thì nên cho đi để giúp bệnh nhân trong lúc khó khăn nhất và bản thân cũng nhận lại niềm vui. Tôi mong có sức khỏe để được góp một phần bé nhỏ trong việc cứu chữa người bệnh trong nhiều năm nữa”.
Dứt lời, anh rút từ trong ví ra “Thẻ đăng ký hiến tạng”, dí dỏm nói: “Vậy là ước nguyện đã trở thành hiện thực, được cống hiến cho cộng đồng khi sống lẫn lúc mất”.
Gửi lời nhắn tới bạn đọc, anh Nguyễn Văn Tác cho hay: “Đời người sinh ra chỉ sống một lần thôi, hãy can đảm làm những gì bạn muốn. Chỉ cần đó là việc tốt, giúp ích cho xã hội và làm bạn cảm thấy hạnh phúc. Tôi tin rằng mọi hành động xuất phát từ trái tim, từ tình yêu thương sẽ gặt hái được yêu thương”.
Theo Vietnamnet