Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa được Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) công bố cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2022 có 411 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 244.190 tỷ đồng (giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái).
Có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế giá trị 625 triệu USD.
Đáng chú ý, dữ liệu từ các chuyên trang về TPDN cho thấy trong 9 tháng qua có hơn 135.100 tỷ đồng TPDN được mua lại trước hạn, và lượng mua lại trái phiếu có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022 đến nay.
Theo các chuyên gia phân tích của VCBS, khối lượng phát hành theo từng tháng tiếp tục xu hướng giảm trong bối cảnh các hoạt động kiểm tra, thanh tra giám sát được đẩy mạnh.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực với rất nhiều điểm mới và các quy định chi tiết, chặt chẽ cũng khiến thị trường cần khoảng thời gian thích nghi ít nhất là 6 tháng.
Ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong lượng phát hành thành công với tỉ trọng 63% và 24% trong 9 tháng qua. Đồng thời, lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng phát hành 9 tháng tăng tỉ trọng đáng kể so với 2021 do các trái phiếu này vốn đã chịu quản lý của pháp luật chuyên ngành và ít bị ảnh hưởng hơn so với các trái phiếu thuộc các ngành khác trong bối cảnh thị trường trầm lắng.
Nhìn chung, lãi suất TPDN có xu hướng tăng theo đà tăng lãi suất huy động. Như đối với trái phiếu tổ chức tín dụng, trong quý III/2022, lợi suất có xu hướng tăng 0,5-0,7 điểm % ở các kỳ hạn dưới 5 năm và tăng thêm 0,6-1,2 điểm % ở các kỳ hạn trên 5 năm.
Khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng TPDN đang lưu hành, có thể kéo theo nhu cầu phát hành để bảo đảm nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên thị trường. Trong đó, riêng quý IV năm nay khoảng 85.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tập trung ở nhóm ngân hàng, bất động sản
Vì vậy, VSBC cho rằng khối lượng đáo hạn và khả năng trả gốc và lãi trái phiếu, cũng như khả năng huy động vốn của doanh nghiệp sẽ là yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới. Đồng nghĩa, rủi ro thanh khoản tăng đối với thị trường tài chính nếu không có các biện pháp kiểm soát tốt.
"Liên tiếp các cảnh báo và các vụ việc gần đây liên quan đến thị trường này khiến cho nhận thức của nhà đầu tư đối với rủi ro từ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp thay đổi đáng kể. Do vậy, phần bù rủi ro để các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn đối với kênh này cũng tăng thêm" – các chuyên gia của VCBS nêu.
Trước đó, báo cáo về thị trường TPDN quý III/2022 của bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán VNDirect (VND Research) cho thấy tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong quý IV năm nay sẽ đạt mức hơn 58.800 tỷ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, tỉ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính ngân hàng và các ngành khác lần lượt là 34,1%, 32,9% và 33%. Con số này thống kê từ các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.